Vào ngày cưới, đến chỗ hẹn trang điểm, làm tóc đúng giờ (hoặc hẹn họ đến nhà mình). Chú rể cũng nên dậy sớm lo đầu tóc, quần áo chỉnh tề.
Từ 6 đến 3 tháng trước ngày cưới:
- Lên số lượng khách mời thực tế.
- Đi xem các kiểu thiếp mời cưới.
- Lên lịch may đo trang phục cưới, hoặc đặt cọc thuê áo cưới.
- Mua/may/thuê (đặt cọc) trang phục phù dâu, phù rể (nếu cần).
- Đặt cọc, làm hợp đồng nơi tổ chức tiệc cưới. Tham quan địa điểm để có ý tưởng về việc trang trí. Bàn bạc với người có trách nhiệm tại địa điểm cưới (quản lý) để cùng lên kế hoạch trang trí thế nào, họ có thể hỗ trợ làm những gì, những gì mình sẽ phải tự mang vào... Bình thường, trong tiệc trọn gói thì họ sẽ lo trang trí hết, nên có sẵn ý tưởng để đưa yêu cầu cho họ, chứ để tự họ làm thường sẽ không bao giờ như mình muốn.
- Lên lịch ăn thử tiệc.
- Bất kỳ đồ dùng nào phải thuê cho tiệc cưới (ví dụ máy chiếu, màn hình lớn hoặc bất kỳ ý tưởng nào mình muốn trong đám cưới) thì cũng nên đặt trong khoảng thời gian này.
- Chọn địa điểm đi tuần trăng mật, bắt đầu lên kế hoạch và đặt vé. Nếu định đi đâu xa cần phải xin visa thì làm luôn trong khoảng thời gian này đi, vì visa là vấn đề đau đầu muôn thủa, tránh stress và thất vọng vào phút cuối.
- Mua bảo hiểm các loại, từ bảo hiểm du lịch, đến bảo hiểm đám cưới. Khái niệm này không phổ biến ở Việt Nam, nhưng khá phổ biến ở nước ngoài, ví dụ sơ sơ như một loạt tiền đặt cọc tiệc cưới là không hoàn trả, và hầu như tiệc cưới và các khoản phí khác phải trả đầy đủ chậm nhất là ba ngày trước khi cưới. Một đám cưới trung bình ở nước ngoài có thể lên đên 15.000 USD (Việt Nam cũng chẳng kém cạnh gì). Chẳng may trước ngày cưới, cô dâu hay chú rể... bỏ trốn, hoặc có những sự chẳng lành xảy ra như cháy nổ địa điểm cưới, tang gia bất ngờ... đến lúc đó, giả sử mà xảy ra thật, không có bảo hiểm thì sẽ mệt đấy.
- Gửi thiệp mời hoặc điện báo cho họ hàng và bạn bè ở xa để họ kịp thu xếp nếu có điều kiện tham dự đám cưới.
- Đi đăng ký kết hôn.
Từ 3 đến 2 tháng trước ngày cưới:
- Thuê người cử hành hôn lễ, MC, DJ, ban nhạc, thợ chụp ảnh, quay fim... (nếu có trong chương trình).
- Thử và hoàn thành váy cưới và trang phục cho chú rể.
- Mua các phụ trang cho cô dâu: Giày, khăn voan, tiara, trang sức, đồ lót...
- Lên chương trình chi tiết với những người có liên quan (ông bà, bố mẹ, phù dâu/rể, MC, ban nhạc, quay phim, chụp ảnh, người cử hành hôn lễ, người quản lý tiệc cưới...) xem ai nói gì, làm gì, làm thế nào. Ai là người được chọn để đọc phát biểu.
- Chọn người trang điểm, làm tóc cô dâu và thử trước. Đồng thời đặt luôn ngày giờ trang điểm hôm cưới.
Một tháng trước ngày cưới:
- Thuê/may quần áo cho đội đỡ tráp, bưng tráp ăn hỏi.
- Tổ chức lễ ăn hỏi (Như nói ở trên, có thể tổ chức trước ngày cưới vài tuần đến vài tháng, tùy từng nhà).
- Phân công hai hoặc ba người thân tháo vát, đảm đang để giúp cho việc chạy tiệc cưới được trơn tru (ví dụ các sự việc có thể xảy ra trong tiệc cưới, như thiếu thức ăn, thiếu bàn ghế, cốc chén, khách có yêu cầu cá nhân gì, thì họ có thể giúp mình giải quyết ngay, chứ lúc đó mà gọi cô dâu chú rể hay bố mẹ mình ra giải quyết thì cũng mệt lắm, vừa bực cho mình và khách khứa cũng ngại).
- Nếu như tiệc cưới dự đoán có nhiều trẻ con thì cũng nên phân công vài người giữ trẻ (có thể thuê hay đưa osin ở nhà đến). Cái này không chỉ ở Việt Nam đâu, mà cả nước ngoài người ta cũng phải thuê hẳn vú em cho đám cưới. Vì trẻ con hiếu động, ai mà biết nó không chạy nhảy làm đổ cả cái bánh cưới chẳng hạn.
- In và gửi thiệp mời (cho những người ở xa thì nên gửi trước khoảng ba tháng nhé). Cố gắng động viên mọi người xác nhận xem có đi hay không, nếu có thể (Ở nước ngoài thì là chuyện bắt buộc, Việt Nam thì chưa, nhưng chắc có sẽ văn minh hơn).
- Ăn thử tiệc cưới, đặt món chính thức và đặt tổng số khách mời chính thức (nhớ vụ đặt bàn dự phòng mình khuyên ở bài trước nhé).
- In ấn thực đơn, lời chúc mừng, chương trình, vị trí khách mời nếu có điều kiện.
- Nghiên cứu và tập rượt một số lời thề cho buổi lễ (Cái này thiên về đám cưới phương Tây nhiều hơn, khi cô dâu chú rể nói với nhau những lời hẹn ước sống với nhau trọn đời lúc làm lễ. Ở Việt Nam, cô dâu chú rể chỉ đứng cười thôi, tối về thủ thỉ sau).
+ Thống nhất và hoàn thiện toàn bộ các hợp đồng phải ký cho đám cưới.
Ba tuần trước ngày cưới:
- Tổ chức tiệc chia tay đời độc thân cho cô dâu và chú rể (cái này cần có phù dâu và phù rể tích cực một chút đứng ra tổ chức).
- Hoặc có thể tổ chức vài bữa nhậu với bạn bè thân, vừa để giải tỏa stress cả mấy tháng chuẩn bị, vừa để ca cẩm, tận hưởng nốt quãng đời tự do còn lại khi chỉ ba tuần nữa là "lên thớt".
Hai tuần trước ngày cưới:
- Xác nhận một loạt các nơi đã đặt sẵn: Phòng tiệc, MC, quay phim, chụp ảnh, trang điểm... Trả nốt tiền đặt nếu cần thiết.
- Lên danh sách tất cả các số điện thoại của những người có "trách nhiệm liên đới" trong tiệc cưới.
- Đi spa với bạn bè hoặc người thân, giải tỏa hết đi. Hoặc còn gì điên rồ chưa làm được lúc còn độc thân thì tranh thủ làm đi (Tất nhiên không làm gì để hối tiếc là được).
Một tuần trước khi cưới:
- Dọn dẹp, trang trí nhà cửa đón khách (nếu tổ chức tiệc cưới tại gia).
- Xác nhận và kiểm tra lại tổng số khách mời nếu có thay đổi.
- Sắp xếp, dọn đồ đồ (nếu chuyển qua sống ở nơi ở mới).
- Chuẩn bị một vali quần áo cho tuần trăng mật (vì cưới xong mà đi trăng mật luôn thì đảm bảo không có thời gian chuẩn bị đồ sau đấy).
- Thử lại một lần với những người liên quan về những gì cần nói, muốn nói trong đám cưới.
- Phân công người giữ và quản lý quà cưới tại buổi tiệc, phân công người quản lý sổ ký tên và bút viết, phân công người đưa đón khách đến địa điểm và vào phòng tiệc.
- Mua thiệp cảm ơn và bắt đầu viết dần dần để cảm ơn những người đã tặng quà mình (Ở Việt Nam do mời đông khách quá, việc này sẽ là khó khăn, nhưng thường đám cưới phương Tây chỉ có vài chục người, nên việc viết thiệp cảm ơn là thói quen). Không nên để việc này quá hai tháng sau ngày cưới (sẽ thành bất lịch sự).
Một ngày trước đám cưới:
- Trang trí nốt nhà cửa cho ngày mai.
- Cảm ơn bố mẹ, những người tham gia giúp đỡ (vì ngày mai sẽ rất lu bu, và sẽ quên).
- Khóc, cười (Ngày cuối cùng, cảm xúc lẫn lộn lắm).
- Đừng quên nói câu "Anh/em yêu em/anh" với người bạn đời của mình.
- Đi ngủ sớm (Nói thế thôi, khó thực hiện lắm, vì ngày cuối cùng, những công việc không tên sẽ dần hiện ra).
Ngày cưới:
- Đi đến chỗ hẹn trang điểm, làm tóc đúng giờ (hoặc hẹn họ đến nhà mình). Chú rể cũng nên dậy sớm lo đầu tóc, quần áo chỉnh tề.
- Đừng cuống (tâm lý chung mà!), nếu đã phân công ai làm việc gì thì cứ tin họ sẽ hết lòng vì mình, vì ngày trọng đại của mình. Yên tâm ngồi nghỉ, thư giãn, để người trang điểm làm tóc, thử váy cưới và cười thật rạng rỡ.
- Cười và cười thật nhiều, và biến ngày cưới thành ngày tuyệt vời nhất cuộc đời mình.