Phong tục cưới xin còn tùy thuộc vào từng vùng, từng dân tộc. Tuy nhiên, nếu tổ chức lễ cưới theo phong tục của miền Nam, bạn cần lưu ý những điều sau đây:
Thường thì ngay từ khi mà chàng trai/cô gái dắt người yêu của mình về ra mắt với gia đình là bố mẹ hai nhà đã tìm cách để biết chàng trai/cô gái đó có tuổi gì, mạng gì. Nếu thầy phán hợp tuổi, hợp mạng thì là không có vấn đề gì lớn nhưng cũng có những đôi, khi thầy phán là kỵ tuổi, mạng can xung khắc, nếu như lấy nhau thì làm ăn không nên, có thể tan vỡ, thậm chí người con trai/con gái mai sau sẽ bị yểu mệnh… thì bố mẹ của họ phần lớn là sẽ ngăn cản. Không ít cặp đôi, không vượt qua được trở ngại đầu tiên này, dẫn đến việc là không đến được với nhau.
Với mâm trầu cau, chú rể chỉ được xé cau trong mâm chứ không được phép dùng dao cắt.
Khi đi đón dâu, đường đi và đường về phải khác nhau hoàn toàn, đi chung một đường sẽ dễ dẫn đến tan vỡ. Lúc nhà trai rời khỏi cổng của nhà gái, cô dâu cứ nhìn thẳng về phía trước, tuyệt đối không được phép ngoảnh đầu lại phía sau.
Hôn lễ chính phải cử hành tại bàn thờ tổ tiên và có đủ “hương đăng hoa quả”. Họ hàng nhà trai khi đến phải có người làm mai đi đầu trong đoàn. Lễ vật bao gồm các thứ: trái cây, bánh kẹo, trầu cau và cặp đèn trùng với kích thước chân đèn ở trên bàn thờ.
Người đang có tang không được phép dự đám cưới. Đồng thời, các cụ còn kiêng kỵ chuyện có bà bầu đi đến dự đám cưới. Nhưng hiện nay, dường như chuyện bà bầu đi đám cưới đã trở thành chuyện rất bình thường.